Vì sao những người trẻ hay hụt hẫng, mất quân bình? Ấy là bởi họ hay ngoái nhìn quá khứ.
Quá khứ của những người trẻ thì mỏng (tất nhiên rồi, càng trẻ thì càng ít quá khứ), thế mà họ cứ thích ngoái trông, họ tưởng rằng có thể rút ra từ đấy những bài học.
Họ nhầm.
Chỉ những người từng trải, nhiều tuổi mới nên hồi tưởng quá vãng. Họ đã (nhờ Trời) vượt qua các chặng, các mốc quan trọng và nhờ vậy, cái nhìn của họ bình thản và trong trẻo. Người trẻ tuổi nhìn quá khứ bao giờ cũng bị ám ảnh, nhìn không đúng bản chất, nhìn như qua một màn sương, một lớp kính dị dạng. Nhìn, nếu không bằng tâm trong sáng và vô tư, thì không những hồi ức không giúp gì cho hiện tại, không đem lại bài học nào tốt lành, mà còn làm cho hiện tại chao đảo. Mất cân bằng từ đó mà ra.
Vì sao ngoái nhìn quá khứ, ôn lại hồi ức, lại gây hại? Ấy là bởi phần đời quá khứ chưa đủ dày, những câu chuyện những kỷ niệm quá khứ xảy ra chưa lâu, người trẻ tuổi chưa thoát ra khỏi ràng buộc với quá khứ ấy - quá khứ mới mẻ vẫn như một phần của hiện tại - và kinh nghiệm (nếu có thể gọi đấy là kinh nghiệm) không đủ giúp người ta chọn lựa hướng đi đúng.
Trải nghiệm cho dù đau thương, nếu còn mới nguyên, chỉ khiến người ta lặp lại sai lầm trước theo một cách có khi còn tệ hơn. Phải đủ lâu để tỉnh ra, để bình tâm, điều này người trẻ không có được.
Vết thương tinh thần cũng hệt như vết thương thể chất, phải lành hẳn rồi hãy dành cho nó một chỗ trong kho nghiên cứu “kinh nghiệm”. Vết thương thân thể chưa lành, ai dại gì đào bới vào nó; trong khi ấy những người trẻ luôn cho rằng cần viện dẫn đến các sai lầm vừa mới xảy ra để điều chỉnh cách sống. Không đúng, cực kỳ nhầm lẫn! Làm sao một vị bác sĩ có thể điều chỉnh được cách điều trị đối với một ca vừa xong, vì năm năm nữa ai bảo đảm được sẽ xảy ra/không xảy ra chuyện gì?
Mười năm là quãng thời gian ít nhất ta phải sống trước khi muốn nhìn nhận lại một chuyện. Minh triết là sở hữu riêng của những người có tuổi.
Tuổi trẻ hiện đại hay chao đảo, nối từ sai lầm này sang ngộ nhận khác, vì họ không sống cho hiện tại, không tận hưởng phút giây đang diễn ra, mà cứ thích gặm nhấm chuyện “ngày trước”. Ngày hôm nay dĩ nhiên khác ngày qua, ngày trước đâu có đủ cơn cớ để thành một giá trị; viện dẫn ngày qua để sống ngày nay là bám vào một nhánh cây lung lay sắp gãy.
Để có thể sống quân bình, an tĩnh, hãy tận hưởng cái phút giây hôm nay, phút giây hiện tại, ngày đang lên, giờ đang trải, nắng mưa đang trút xuống, hơi thở đang phập phồng trong lồng ngực. Bàn chân đặt trên đất là đất của hiện tại, bàn chân cũng là bàn chân hiện tại. Đất bây giờ đâu có giống đất quá khứ, hoài nhớ làm chi, ích gì!
Bản thân tôi đã từng phạm những sai lầm như vậy, hồi trẻ. Tôi cứ tưởng mình sẽ học được nhiều bài học khôn khi đọc lại nhật ký: à hồi ấy mình sai vì thế này thế nọ, giờ mình tránh. Tiếc thay, ta làm sao tránh được điều sẽ-xảy-ra không giống gì với điều đã-trải, ta làm sao đủ khôn ngoan nhận thấy mây trời thay hình đổi dạng từng giây, mà cơn mưa hôm nay không hề có gì chung với cơn mưa đêm trước.
Bản thân tôi từng nghĩ muốn cải thiện đời mình thì phải học ở quá khứ. Nhưng không ai dạy cho tôi biết quá khứ phải là quá khứ xa. Muốn có quá khứ xa, phải sống đủ, phải già. Tức là dù muốn dù không, bạn vẫn cứ phải trả giá cho từng ngày sống, chẳng thể tránh được những khổ lụy sai trái nhầm lẫn tuyệt vọng mà tuổi thanh xuân phải “hưởng” như món quà Trời ban, chẳng thể đốt giai đoạn để lập tức thành người trưởng thành khôn ngoan mẫn tiệp, chẳng thể noi gương ai cho dù đầy rẫy những tấm gương sáng trên đời. Làm điều gì không tự nhiên, thì mất cân bằng cầm chắc.
Tôi thường khuyên nhủ người tôi yêu, rằng hãy cất quá khứ vào ngăn sâu kỷ vật, để dành đấy đến sau này khi đã sống đủ, đã trưởng thành thực sự, đã lớn khôn, thì hãy mở ra xem. Hãy bỏ thói quen đọc lại nhật ký mà nét mực còn tươi mới. Hãy tránh bàn luận về những điều diễn ra chưa lâu. Không ai viết hồi ký khi còn trẻ là vì vậy. Đúng sai hay dở, đến cuối đời mới biết.
Học sống cân bằng chẳng khó. Giống bài học thở của Thiền mà thôi: tôi đang hít vào, tôi đang thở ra, tôi đang tận hưởng giây phút này.